Giáo D C Plato [PDF]

  • 0 0 0
  • Gefällt Ihnen dieses papier und der download? Sie können Ihre eigene PDF-Datei in wenigen Minuten kostenlos online veröffentlichen! Anmelden
Datei wird geladen, bitte warten...
Zitiervorschau

Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 31, Số 2 (2015) 21-28

Tư tưởng triết học giáo dục của Plato Nguyễn Thị Thanh Huyền* Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội Nhận ngày 01 tháng 5 năm 2015 Chỉnh sửa ngày 07 tháng 5 năm 2015; Chấp nhận đăng ngày 20 tháng 5 năm 2015

Tóm tắt: Plato không trình bày một cách hệ thống và trực tiếp về giáo dục, nhưng trong các tác phẩm của ông đây là một chủ đề được đặc biệt quan tâm. Xuất phát từ quan niệm coi bản chất con người được quy định sẵn từ phần linh hồn, mỗi phần linh hồn có chức năng khác nhau, Plato luận giải về khả năng nhận thức của con người. Trên cơ sở đó, ông đưa ra tư tưởng về giáo dục dựa trên nguyên tắc tôn trọng khả năng tự nhiên của mỗi người. Đối tượng giáo dục là các công dân của nhà nước lý tưởng. Quá trình giáo dục trải qua hai giai đoạn cơ bản: giáo dục nhân cách và tri thức. Mục đích chủ yếu của giáo dục là đào tạo tầng lớp cai trị trong nhà nước lý tưởng với các phẩm chất: thông thái, can đảm, tiết độ, công bằng. Những tư tưởng giáo dục của Plato gắn liền với quan niệm triết học chính trị đã để lại những thông điệp còn nguyên giá trị đến ngày nay. Từ khóa: Plato, con người, giáo dục.

Triết gia Đức Karl Jasper đã từng nói [1], toàn bộ triết học phương Tây chỉ là những dòng 1 cước∗chú dưới những trang sách của Plato . Ông đã để lại cho nhân loại một di sản triết học lớn bao trùm nhiều lĩnh vực: bản thể luận; nhận thức luận; đạo đức học; chính trị - xã hội... Trong số các tác phẩm của ông không có tác phẩm nào trực tiếp bàn một cách hệ thống về giáo dục, nhưng đây lại chính là một chủ đề được đặc biệt quan tâm. Những tư tưởng triết học về giáo dục được Plato trình bày qua một

vài tác phẩm, trong đó tập trung nhất là tác phẩm Cộng hòa, Luật pháp, Phaedo, Meno. Tư tưởng giáo dục của Plato gắn liền với tư tưởng triết học chính trị, với việc đào tạo các công dân trong nhà nước lý tưởng.

1. Quan niệm về con người - cơ sở của tư tưởng triết học về giáo dục Plato Nền tảng của toàn bộ hệ thống triết học Plato là học thuyết ý niệm. Theo Plato, tồn tại đích thực không phải là thế giới sự vật cảm tính thường xuyên biến đổi mà là thế giới vô hình, bất biến, vĩnh viễn ở bên ngoài các sự vật vật chất - thế giới ý niệm.Ý niệm tạo nên cấu trúc tối cao của thế giới và không bị lệ thuộc vào

_______ ∗

ĐT.: 84-989148349 Email: [email protected] 1 Plato (427-347 TCN) - Triết gia Hy Lạp cổ đại, xuất thân từ tầng lớp quý tộc cổ xưa nhất ở Athens, học trò của Socrate. Ông là triết gia phương Tây đầu tiên mà những tác phẩm viết tay của ông còn lưu truyền trọn vẹn đến ngày nay.

21

22

N.T.T. Huyền / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 31, Số 2 (2015) 21-28

cấu trúc này. Ý niệm là mô thức lý tưởng của các sự vật, là bản chất, nguyên mẫu của sự vật, còn các sự vật chỉ là cái bóng, là sự mô phỏng lại ý niệm. Ý niệm là linh hồn của vạn vật. Sự vật chỉ có thể là nó khi nằm trong quan hệ với ý niệm. Vật chất là điều kiện cho sự tồn tại của sự vật, là bản nguyên thứ hai của sự vật, còn bản nguyên thứ nhất, cái tạo thành bản chất của sự vật là ý niệm - mô thức về nó. Trong thế giới ý niệm thì ý niệm Thiện là cao nhất, là ngọn nguồn của chân lý "Trong thế giới tri thức, Mô thể cơ bản của Sự Thiện (Cái Thiện - TG) là điều được tri giác sau cùng và khó khăn nhất. Một khi nó được tri giác, chúng ta sẽ phải kết luận rằng nó là nguyên nhân của tất cả những gì đúng và tốt; trong thế giới hữu hình, nó phát sinh ánh sáng và phát sinh ra chủ nhân của ánh sáng, trong khi nó là chúa tể của thế giới khả tri và là nguồn gốc của trí thông minh và chân lý. Nếu không có sự hiểu biết về Mô thể này không ai có thể hành động một cách khôn ngoan, dù là trong đời sống cá nhân hay trong các hoạt động cộng đồng" [2]. Theo Plato, con người do thần linh coi giữ và người đời chỉ là một phần trong sở hữu của các thần linh. Con người sống trong thế giới sự vật cảm tính, được tạo thành từ linh hồn và thể xác, giống như sự vật được tạo thành từ ý niệm và vật chất. Con người tức là linh hồn con người "Người ta không được mảy may thiếu tin tưởng vào nhà lập pháp. Tương tự như vậy, người ta cũng phải tin vào sự khẳng định của ông ta rằng linh hồn là một cái gì đó khác với thể xác. Tự bản thân linh hồn có cuộc đời riêng và nó chính là cái làm cho mỗi người chúng ta trở nên có ý nghĩa. Trái lại, thể xác là cái thân xác mà mỗi người phải cưu mang và chỉ là một cái bóng. Cái bóng này sẽ tiêu tan khi ta chết đi, còn cái con người đích thực với tư cách là bản chất bất tử hay linh hồn, thì trở về với các thiên thần và phúc trình ở đó" [3].

Điều khiển con người chính là linh hồn với ba phần; lý tính, xúc cảm và dục vọng, phần trội hơn tạo nên tính cách cá nhân. Mỗi loại linh hồn có những tác động riêng, vì vậy cần chú trọng để cả ba phần của linh hồn cùng được tập luyện tương thích nhau. Phần cao quý nhất của tâm hồn con người do Thượng đế ban cho, nó ở trong phần đầu của thân thể và "làm cho chúng ta lớn mạnh như cây cối, với sự phát triển không phải từ đất nhưng từ trời" [4]. Vì vậy nếu người nào chỉ chú trọng đến dục vọng và ham muốn thì kẻ đó làm cho ý nghĩ của mình đi đến chỗ chết và mặc dù anh ta còn tồn tại, mọi cái thuộc về anh ta đều đã chết. Như vậy, theo Plato, bản chất đích thực của linh hồn là tri thức và vô hình. Trong con người lý trí làm chủ, vì vậy, người hạnh phúc tuyệt vời là người chăm chỉ chuyên sâu yêu thích tri thức và sự khôn ngoan đích thực. Nếu người đó được huấn luyện để suy tư và hiểu rằng đó là những cái bất tử và linh thiêng của con người, nếu anh ta đạt đến sự bất tử, người ấy hẳn là được hạnh phúc tuyệt vời. Linh hồn con người có trước thể xác "Linh hồn...hiện hữu trước khi nhập vào thể xác; linh hồn biệt lập với thể xác; và linh hồn sở đắc năng lực nhận thức"[5]. Linh hồn bất tử, khi con người chết đi chỉ có thể xác phân hủy, linh hồn còn lại, vì linh hồn là cái tinh khiết, vô hình, cao cả không phải hợp chất, theo lẽ tự nhiên cái là hợp tố và hợp chất thế nào cũng tan vỡ thành phần cấu thành. Linh hồn con người 2 tuân theo kiếp luân hồi , (mất đi ở kiếp này, tái sinh ở kiếp khác). Trong tác phẩm Phaedo, cũng giống Socrate, Plato coi thể xác là nơi giam cầm của linh hồn. Linh hồn bị giam hãm trong thể xác giống như bị giam hãm trong nhà tù, vì vậy những linh hồn nào gắn nhiều với thể xác sẽ không được giải thoát, linh hồn đó "lang

_______ 2

Phật giáo cũng cho rằng cuộc đời con người tuân theo kiếp luân hồi và sự thác sinh luân hồi đó là do Nghiệp chi phối.

N.T.T. Huyền / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 31, Số 2 (2015) 21-28

thang quanh quẩn mộ phần, mồ mả, nơi vong linh rập rờn, hình bóng mập mờ linh hồn tạo thành xuất hiện, linh hồn chưa giải thoát, chưa thanh tẩy, song thơ thẩn trong cõi hữu hình, vì thế nên nhìn thấy"[5]. Mục đích của cuộc đời con người là giải thoát linh hồn đưa nó trở về với cội nguồn nơi có sinh ra, tức thế giới vô hình, hoàn hảo - thế giới của cái chân, thiện, mỹ tuyệt đối. Muốn vậy, con người cần trau dồi đạo đức, để cư xử tốt ở đời. "Linh hồn sung sướng hơn hết, linh hồn có nơi nhập tốt đẹp hơn hết là linh hồn đã luyện tập, trau dồi đức tính của công dân bình thường - gọi là điều độ, chính trực"[5]. Những linh hồn như vậy lại được gia nhập nhóm sinh vật hiền lành, kỷ luật, có đầu óc xã hội như ong, kiến hoặc trở lại hàng ngũ loài người [5]. Linh hồn muốn đạt tới bản chất siêu việt, gia nhập hàng ngũ thần linh phải luyện tập triết học "Linh hồn chưa tập luyện triết học, khi từ giã cõi đời không hoàn toàn tinh khiết, không thể đạt tới bản chất siêu việt, không thể gia nhập hàng ngũ thần linh, bất kể linh hồn nào, trừ triết gia và linh hồn yêu mến sự hiểu biết"; "Thực tập triết học đúng đường lối kìm hãm, lánh xa, chế ngự, chống trả, cương quyết không đầu hàng đam mê thể xác"[5]. Linh hồn các triết gia chân thực luôn tránh xa lạc thú, thèm muốn, đau khổ, đam mê vô độ vì họ biết những thứ đó không những gây ra cảnh xấu xa con người phải gánh chịu mà họ nhìn thấy, mà còn tạo nên cảnh xấu xa khủng khiếp cực kỳ con người không hay biết. Vì vậy, triết gia chân chính không sợ chết mà dang tay đón nhận nó, vì như vậy linh hồn sẽ thoát khỏi nơi giam cầm. Theo Plato, nhiệm vụ của nhà triết học là giải thoát linh hồn khỏi thân xác "Khác hẳn mọi người trong nhân loại triết gia tìm đủ cách tách linh hồn khỏi thể xác"[5]. Nhưng con đường của nhà triết học không phải rút lui khỏi thế giới, không phải là sống một nếp sống cô tịch để suy nghiệm như kiểu yoga, mà là dấn thân

23

vào thế giới. Sự dấn thân này ở ba lĩnh vực: chính trị, giáo dục và tình yêu. Trong đó lĩnh vực giáo dục và chính trị có mối liên hệ mật thiết với nhau. Ngay trong ẩn dụ Hang động, Plato cũng quan tâm đến việc làm cho các nhà triết học sau khi giác ngộ sẽ đi trở lại hang động để giải phóng những người khác khỏi xiềng xích và chữa lành sự ngu dốt của những người đó, cũng giống như trước kia họ đi lên khỏi Hang động. Và điều quan trọng là triết gia chính là người có thể hiểu biết về thế giới ý niệm, đặc biệt là ý niệm Thiện, vì vậy họ yêu mến nó. Và điều đó khiến họ mong ước thế giới thường ngày phải giống các ý niệm cao nhất. Cũng như vậy, các nhà triết học biết thế nào là công bằng, vì vậy họ thấy có nghĩa vụ góp phần thiết lập sự công bằng trên thế giới, tham gia vào đời sống chính trị và tham dự vào công việc cai trị trong nhà nước lý tưởng. Muốn có một linh hồn tinh khiết, thoát khỏi sự lệ thuộc vào đam mê thân xác, điều khiển được thân xác, con người cần phải được đào luyện. Trong tác phẩm Cộng hòa và hội thoại Timaeus, Plato bắt đầu nhấn mạnh đến sự cân bằng giữa thể xác và linh hồn trong mẫu hình con người toàn diện. Mặc dù nhấn mạnh vai trò điều khiển của linh hồn trong con người, nhưng Plato ủng hộ quan niệm về một mẫu hình hài hòa giữa thể lực và trí lực. Bất tương xứng về thể lực và trí lực là một điều rất không tốt cho con người toàn diện. "Một tinh thần minh mẫn trong một thân xác khỏe mạnh sẽ là cái đẹp đẽ và đáng yêu nhất trong những điều đang ngắm nhìn của một kẻ có con mắt để nhìn"[4]. Nếu trong một con người mà hồn mạnh hơn xác sẽ làm náo loạn và gây mất trật tự toàn bộ bản chất bên trong của con người, khi nóng lòng theo đuổi tri thức, nó gây ra sự tàn phá. Nếu thân xác to lớn mà linh hồn nhỏ bé, mất nhạy cảm, đần độn và cẩu thả sinh ra ngu dốt, vốn là căn bệnh nặng nề nhất.

24

N.T.T. Huyền / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 31, Số 2 (2015) 21-28

Chính vì vậy, Plato cho rằng người nào học hành nghiêm túc, không được quên rèn luyện thân thể. Tư tương tự như vậy, người nào có thân hình khỏe mạnh cũng không được quên trau dồi trí tuệ. Ông ủng hộ cuộc sống biết kết hợp giữa ham thích và hiểu biết. Cách bảo vệ chống cả hai thái cực trên là vừa tác động vào thể xác, vừa tác động vào tâm hồn. Điều này thuộc về vai trò của giáo dục và con người cần được giáo dục để trở thành một con người hiểu biết, kiềm chế được những ham muốn thể xác và trở thành công dân đức hạnh trong nhà nước lý tưởng.

2. Quan niệm về vai trò, đối tượng và nội dung giáo dục Plato đề cập đến vai trò của giáo dục ngay trong tác phẩm Phaedo "Vì đi xuống âm phủ linh hồn không mang theo cái gì trừ giáo dục và cung cách đã sống, hai phạm trù cực kỳ quan trọng... nghe người ta nói đem lại lợi ích lớn lao hoặc tai ương ghê gớm"[5]. Quan niệm này tiếp tục được khẳng định trong tác phẩm Cộng hòa. Đào tạo các công dân cho nhà nước lý tưởng là tư tưởng bao trùm của Plato trong tác phẩm này. "Muốn có được nhà nước lý tưởng cần giáo dục các công dân ngay từ khi còn trẻ, giáo dục đóng vai trò quyết định hình thành nhân phẩm công dân tương lai... Mọi người được giáo dục theo hướng nào thì sẽ quyết định đời sống tương lai của họ theo hướng đó" [2]. Như vậy, đối tượng mà nền giáo dục hướng đến là các công dân tương lai của nhà nước lý tưởng. Theo Plato, cần phải lựa chọn và đào tạo các thành viên trong quốc gia dựa trên cơ sở tôn trọng tài năng, qua đó tạo điều kiện cho phép họ phát huy những phẩm hạnh tương ứng với bổn phận và trách nhiệm trong tương lai. Điều này có thể thực hiện thông qua một nền giáo dục dân chủ.

Plato coi trọng giáo dục, nhưng không phải là nền giáo dục cưỡng chế, áp đặt từ bên ngoài mà phải là một nền giáo dục phù hợp với năng khiếu tự nhiên của con người "Giáo dục không phải là cái được định nghĩa bởi một số người chủ trương đưa tri thức vào một linh hồn không có nó, như thể họ có thể đưa ánh sáng vào những con mắt mù lòa"[2] Trong thời đại Plato sống, xã hội Hy Lạp đang chịu ảnh hưởng giáo dục của các nhà Ngụy biện. Họ tạo nên một nền giáo dục sai lầm, có thể dẫn đến sự suy đồi của chính các triết gia vì mục đích của các nhà Ngụy biện là dạy con người chiến thắng bằng mọi cách trong tranh luận. Từ thực tiễn như vậy, ông đòi hỏi xây dựng một lối giáo dục đúng đắn, phù hợp với năng khiếu tự nhiên của mỗi người. "Nếu các công dân của chúng ta được giáo dục tử tế và lớn lên thành những con người biết lý lẽ, thì họ sẽ dễ thấy rõ con đường họ phải theo giữa biết bao nhiêu điều khác.... Việc dưỡng dục tốt sẽ cấy trồng được những thể chất tốt và những thể chất tốt ăn rễ sâu trong nền giáo dục tốt sẽ ngày càng tiến bộ, và sự tiến bộ này sẽ ảnh hưởng đến nòi giống nơi con người và loài vật" [2]. Theo Plato, các thiên khiếu bẩm sinh to lớn nhất, nếu bị giáo dục trệch hướng, sẽ trở thành những con người xấu một cách tột độ. Những ai được giáo dục đúng đắn đều trở thành người tốt. "Không được xem thường giáo dục, vốn là điều đầu tiên và đúng đắn nhất mà một người tốt luôn phải có và là cái, dù có bị trệch hướng, vẫn có thể sửa đổi được. Công việc sửa đổi này là việc lớn lao trong đời mỗi người khi còn sống" [3]. Giáo dục mà Plato nói đến phải là nền giáo dục công lập. "Hãy để người bảo vệ luật pháp, cũng là người bảo vệ giáo dục theo dõi sát sao và chú tâm đặc biệt đến việc rèn luyện con cái chúng ta, dẫn dắt bản tính chúng và luôn luôn hướng chúng đến điều tốt theo pháp luật" [3].

N.T.T. Huyền / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 31, Số 2 (2015) 21-28

Đối tượng được tuyển chọn vào hệ thống giáo dục phải là những người lành mạnh cả về thể chất và tinh thần. Chính vì vậy, giai đoạn đầu tiên của giáo dục là sự đào luyện tính cách nhờ đó học sinh biết tự chủ về tâm hồn và thể xác để trang bị cho họ chống lại những cám dỗ của giác quan và sự a dua theo các ý kiến thời thượng. Để thực hiện điều đó hai môn học đầu tiên phải dạy cho trẻ là môn âm nhạc và thể dục "Nền giáo dục có hai phần, thể dục cho thân thể và âm nhạc cho tâm hồn" [2] Âm nhạc là môn học được đưa vào giảng dạy đầu tiên khi trẻ chưa tới tuổi học thể dục. Khi còn nhỏ, người ta sẽ kể cho trẻ nghe các câu chuyện thần thoại nào nói về lòng dũng cảm, về điều thiện, điều tốt của các vị thần. Sau đó mới dạy các loại hình âm nhạc khác. Âm nhạc có vai trò quan trọng cho hình thành phẩm hạnh của con người. "Huấn luyện âm nhạc là một dụng cụ mạnh hơn mọi thứ khác, bởi vì tiết tấu và âm điệu tìm được lối đi vào nơi sâu thẳm của tâm hồn, chúng gắn chặt vào tâm hồn với đầy sức mạnh, tạo sự diễm lệ cho tâm hồn và làm cho tâm hồn của người được giáo dục đúng trở thành diễm lệ, hay làm cho người không được giáo dục đúng trở thành xấu xa" [2]. Mục đích của âm nhạc là yêu cái đẹp, giúp tâm hồn con người hài hòa cân đối. Trong tác phẩm Luật pháp, Plato đề cập đến phương pháp giáo dục trẻ trong những năm đầu đời thông qua nhận thức về thú vui và hình phạt, vui thú chủ yếu là nhờ múa hát. Trong ba năm đầu tiên trẻ em chỉ cần được quan tâm về sự phát triển thể xác. Từ ba đến sáu tuổi chúng có thể chơi thể thao và các trò chơi. Khi lên sáu tuổi, nếu muốn, trẻ có thể luyện võ công. Giáo dục dành cho tất cả mọi người. Thể dục và âm nhạc phải được dạy như nhau cho cả trẻ nam cũng như nữ. Mặc dù cho rằng cả trẻ nam và nữ đều được giáo dục như nhau, nhưng trong một số đoạn miêu tả quá trình học tập của trẻ ở tác phẩm Luật pháp,

25

Plato chỉ nói tới trẻ nam. Nếu vậy, phụ nữ sẽ không thể đảm nhiệm chức vụ cao trong nhà nước, khác với điều mà ông đề cập đến trong tác phẩm Cộng hòa. Đây cũng là mâu thuẫn trong quan niệm của ông. Cùng với âm nhạc, trẻ cần được tập luyện thể lực qua môn thể dục. "Chế độ thể dục hoàn hảo là chị em song sinh với âm nhạc đơn sơ" [2]. Môn thể dục mà Plato đặc biệt nói đến là thể dục quân sự, để rèn luyện các chiến binh cho nhà nước lý tưởng sau này. Âm nhạc cùng với thể dục đơn sơ sẽ tạo nên sự điều độ trong tâm hồn và một thể chất khỏe mạnh. Hai môn học này được dạy từ khi trẻ còn nhỏ và phải được duy trì tiếp tục suốt đời. Mục đích của việc học hai môn âm nhạc và thể dục đều hướng đến sự phát triển tâm hồn. "Điều tôi tin tưởng là, không phải một thân thể khỏe mạnh tốt đẹp làm cho tâm hồn tốt đẹp, nhưng ngược lại, một tâm hồn đẹp, nhờ sự tuyệt hảo của nó, làm cho thân thể tốt đẹp" [2]. Một tâm hồn hài hòa thì vừa tiết độ, lại vừa can đảm. Ở đây Plato nhấn mạnh đến một nền giáo dục đức hạnh "nó làm cho con người háo hức theo đuổi lý tưởng tuyệt hảo của người công dân, dạy bảo họ cai trị sao cho phải lẽ và đồng thời cũng biết vâng phục" [3]. Đây là các phẩm chất cần có của những người đứng đầu trong nhà nước lý tưởng. "Người nào phối hợp được âm nhạc với thể dục ở một tỷ lệ thích hợp nhất và điều hòa chúng tốt nhất cho linh hồn, thì người ấy có thể dược gọi là nhạc sĩ phối khí đích thực" [2]. Như vậy, giai đoạn đầu tiên của giáo dục là nhằm rèn luyện tính cách cho con người, sao cho họ trở thành những con người cân đối, hài hòa, không bị lệ thuộc vào các đam mê thể xác. "Trong khi sống ... sẽ gần gũi hiểu biết hơn hết nếu kìm hãm càng mạnh càng tốt kết hợp với thân xác, hoặc tăng gia tiếp xúc với thể xác

26

N.T.T. Huyền / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 31, Số 2 (2015) 21-28

nhiều hơn cần thiết, nếu không bị nhiễm độc vì bản chất thể xác, nhưng thanh tẩy bản thân tới khi thần linh giải thoát" [5]. Giai đoạn thứ hai của giáo dục là đưa vào các môn học tri thức trừu tượng như: Thiên văn học, số học, hình học. Trong số các môn khoa học và nghệ thuật thì toán học được coi là đứng đầu, đồng thời là một dạng lý tưởng mà các môn nghệ thuật và khoa học hướng đến. Môn Thiên văn học được hiểu là khoa học về chuyển động học một cách thuần túy và nó có ý nghĩa ứng dụng nhiều hơn lý thuyết. Để công việc giáo dục đạt mục tiêu mỗi người được đào tạo phù hợp với năng lực sau này đảm nhận công việc phù hợp, cần trải qua các kỳ thi khác nhau. Sau mỗi kỳ thi sẽ tìm ra những người phù hợp với các công việc khác nhau trong nhà nước lý tưởng. Những người còn lại cuối cùng sau mỗi kỳ thi sẽ tiếp tục học môn triết học và trải qua thực tiễn để trở thành người đứng đầu trong nhà nước lý tưởng. Môn biện chứng pháp - triết học là khoa học duy nhất không dựa vào các giả thuyết để làm vững nền tảng của mình "Biện chứng pháp là mấu chốt của mọi khoa học và được đặt cao hơn mọi khoa học; không một khoa học nào được đặt cao hơn nó" [2]. Chính vì vậy, những người được chọn học môn học này phải là người chắc chắn nhất, dũng cảm nhất và phải có các thiên khiếu tự nhiên giúp họ tiếp thu nền giáo dục một cách dễ dàng. Khi phê phán thực trạng xã hội Hy Lạp lúc đó để triết học trong tay những người không có năng khiếu khiến cho triết học trở nên không có ích, Plato đòi hỏi chỉ dạy triết học cho những người có thiên khiếu về nó. "Con cái đích thực của triết học phải nắm tay triết học, chứ không phải các đứa con hoang" [2]. Mục đích cao nhất của nền giáo dục của Plato là đào tạo người cầm quyền trong nhà nước lý tưởng với các phẩm chất cơ bản: Thông thái, can đảm, tiết độ, công bằng. Những con

người có đủ những phẩm chất đó là những người tài giỏi, khôn ngoan nhất, đức hạnh nhất. Can đảm theo Plato có hai loại, một loại can đảm giúp cho con người chống lại sợ hãi và dạy họ chịu đựng được gian khổ; và một loại khuyến khích con người chống trả các cuộc tấn công âm ỉ của khoái lạc và ham muốn. Muốn vậy, họ phải được giáo dục ngay từ đầu để chống lại sự cám dỗ của khoái lạc. Đó cũng là điều mà Socrate đã đưa ra trong đạo đức học. Người anh hùng không phải là người chiến thắng kẻ thù bên ngoài mà chính là người chiến thắng được kẻ thù bên trong. Plato đặc biệt nhấn mạnh đến giáo dục các phẩm hạnh đạo đức cho con người, trong đó đã bao hàm khả năng trí tuệ của con người. Về điều này, giống với Socrate, ông coi đức hạnh chính là tri thức và người có đức hạnh phải là người có tri thức, hiểu biết. Quan niệm của Plato về sự bất tử của linh hồn, về vòng luân hồi của các linh hồn có ý nghĩa lớn trong giáo dục đạo đức cho con người khi đang sống. Những người chết trước tiên được xét xử theo các hành vi họ đã làm và những kẻ không trị nổi sẽ bị ném vào vực Tartarus và không bao giờ được lên khỏi đó. Những người chỉ phạm những tội nhẹ thì trước tiên phải được tẩy sạch những tội đó, rồi được thưởng vì các việc lành họ đã làm. Những người phạm tội ác to lớn mà không được tha thì bị ném vào dòng xoáy vô tận của các con sông trong vực Tartarus. Những linh hồn thanh sạch cũng nhận phần thưởng và được ở trên phần đất cao, một ít người được tuyển chọn còn được ở "nơi ở" đẹp hơn. Trong quan niệm của Plato, bản tính con người được qui định sẵn từ phần linh hồn của họ, vì vậy mọi điều khác đều dựa vào linh hồn và mọi điều của linh hồn đều dựa vào sự khôn ngoan, nếu chúng muốn là những điều tốt đẹp. "Tất cả những gì mà linh hồn cố gắng chịu đựng, khi được sự khôn ngoan hướng

N.T.T. Huyền / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 31, Số 2 (2015) 21-28

dẫn, thì dẫn đến hạnh phúc; nhưng khi chịu sự điên rồ hướng dẫn thì ngược lại" [6]. Thực chất, tư tưởng triết học giáo dục của Plato hướng đến một bộ phận tầng lớp quý tộc trong xã hội chứ không phải cho tất cả mọi người dân, vì ông quan niệm không thể đưa giáo dục vào những linh hồn không thể có nó. Đồng thời, ông cũng đánh giá thấp bằng chứng của giác quan trong việc tìm ra chân lý, xem thường các cuộc thí nghiệm và thu thập các dữ liệu quan sát; ác cảm với nghệ thuật, coi nghệ thuật là mối nguy hiểm cho linh hồn chúng ta (trong xã hội lý tưởng nghệ thuật không được thừa nhận). Tuy nhiên, tư tưởng giáo dục của Plato cũng đặt ra một vấn đề mà giáo dục cần quan tâm là làm thế nào để con người có thể tiếp nhận sự giáo dục một cách tự nhiên, phù hợp với năng lực tự nhiên của mỗi người. Đồng thời Plato cũng đặc biệt nhấn mạnh đến giáo dục nhân cách, đạo đức cho con người trước khi truyền thụ những tri thức khoa học trừu tượng, như vậy dưới dạng sơ khai có thể hiểu mục đích của giáo dục là dạy làm người, điều mà mọi nền giáo dục hướng đến. Gắn liền với tư tưởng giáo dục, quan niệm của Plato về lựa chọn những người cầm quyền đủ tài và đức để nắm quyền là biện pháp để loại bỏ những kẻ bất tài, bip bợm ra khỏi chính quyền. Những người có đủ các phẩm chất trên đây để lãnh đạo quốc gia theo Plato chính là các triết gia. Chỉ khi nào các quốc vương là các triết gia và các triết gia trở thành các quốc vương, khi đó sẽ không còn mọi bất công và tệ nạn xã hội. Điều này phù hợp với thực trạng xã hội Hy Lạp lúc đó, khi những người thực sự hiểu biết chỉ có thể là các nhà thông thái- các triết gia. Tuy nhiên Plato cũng chuyển tải cho chúng ta một thông điệp đầy ý nghĩa: người lãnh đạo quốc gia nhất thiết phải là những người có tri

27

thức, hiểu biết đến độ có thể thâm nhập tới bình diện thực tại nền tảng ẩn dưới những hiện tượng bề mặt. Có như vậy mới có thể xây dựng được các quyết sách phát triển đất nước phù hợp với thực tại xã hội. Plato chủ trương, những người cầm quyền phải là những người ưu tú nhất và phải được huấn luyện chu đáo nhất, chỉ những người được hoàn thiện nhờ thời gian và giáo dục mới được giao trọng trách của nhà nước. "Những nhà cai trị mới là những người giàu có, không phải về vàng bạc, nhưng giàu có về nhân đức và khôn ngoan, là hạnh phúc đích thực của đời sống" [2]. Nhà nước là một thể chế giáo dục nhằm mục đích thực hiện sự công bằng và cái thiện trên trần gian. Đó là những thông điệp vẫn còn giữ nguyên giá trị trong xã hội hiện nay. Ông xứng đáng với điều mà Aristotle đã từng nhận xét: Plato là người đầu tiên dạy chúng ta làm thế nào để vừa sống tốt lại vừa hạnh phúc.

Tài liệu tham khảo [1] Bryan Magee, Câu chuyện triết học, NXB Thống kê, 2003 [2] Plato, "Cộng hòa" trong: Benjamin Jowett & M.J. Knight, Plato chuyên khảo, NXB Văn hóa thông tin, 2008 [3] Plato, "Luật pháp", trong Benjamin Jowett & M.J. Knight, Plato chuyên khảo, NXB Văn hóa Thông tin, 2008 [4] Plato, "Hội thoại Timaeus", trong Benjamin Jowett & M.J. Knight, Plato chuyên khảo, NXB Văn hóa Thông tin,2008 [5] Plato, "Phaedo", trong: Đỗ Khánh Hoan (dịch thuật), Ngày cuối trong đời Socrates, NXB Thế giới, 2013 [6] Plato, "Meno", trong Benjamin Jowett & M.J. Knight, Plato chuyên khảo, NXB Văn hóa Thông tin, 2008

28

N.T.T. Huyền / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 31, Số 2 (2015) 21-28

Plato Philosophical Thought about Education Nguyễn Thị Thanh Huyền VNU University of Social Sciences and Humanities, 336 Nguyễn Trãi Road, Thanh Xuân Dist, Hanoi, Vietnam

Abstract: Plato did not present directly his thought on education. But in his works, he paid special attention to this subject. Basing on the conception that human nature is defined by the soul and each soul plays different roles, Plato interpreted the cognitive abilities of human being. Therefore, he expressed his thought on education based on the principle of respect to human natural abilities. The object of education are citizens of the the ideal state. The process of education includes two main stages: education of personality and knowledge building. The purpose of education is to equip the rulers with qualities such as eruditeness, courage, harmony and justice. Plato’s thought on education associated with his political philosophy brings us messages which are still valuable until today. Key words: Plato, human, education.