Kieu Trung Sơn, Tham Luan [PDF]

  • 0 0 0
  • Gefällt Ihnen dieses papier und der download? Sie können Ihre eigene PDF-Datei in wenigen Minuten kostenlos online veröffentlichen! Anmelden
Datei wird geladen, bitte warten...
Zitiervorschau

Tham luận VẤN ĐỀ BIÊN SOẠN MỤC TỪ VỀ KHÁI NIỆM THUẬT NGỮ, SỰ VẬT HIỆN TƯỢNG THUỘC CHUYÊN NGÀNH ÂM NHẠC: XÉT TỪ TRƯỜNG HỢP MỤC TỪ “FOLK MUSIC” TRONG MỘT BÁCH KHOA THƯ MỸ.

(Kiều Trung Sơn, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

Vào đề Suốt chiều dài lịch sử văn hóa Việt Nam, âm nhạc dân gian là bộ phận quan trọng, chiếm phần lớn trong bức tranh chung của nền âm nhạc dân tộc 1. Kể từ khi tiếp thu lý thuyết âm nhạc Phương Tây, âm nhạc Việt Nam có cơ sở lý luận mới/ tiên tiến để phát triển, hòa nhập với âm nhạc thế giới. Đến nay, có thể nhận định rằng, nền âm nhạc Việt Nam vừa bảo tồn tiếp nối truyền thống dân tộc, vừa tiếp nhận tinh hoa âm nhạc thế giới để phát triển, hòa nhập quốc tế, có thể giao lưu đối thoại bình đẳng với các quốc gia khác mà vẫn thể hiện rõ được cốt cách, tinh thần dân tộc Việt Nam/ mang đậm màu sắc Việt Nam. Tuy nhiên, trong hệ thống khái niệm và thuật ngữ âm nhạc Việt Nam hiện nay, phần khái niệm, thuật ngữ dành cho âm nhạc dân gian đang phân tán, thiếu thống nhất; có trường hợp cùng một thuật ngữ nhưng có nhiều cách sử dụng, nhiều cách hiểu khác nhau. Đó là thực trạng giống như một sự ách tắc, cản trở nhận thức chung về âm nhạc dân gian Việt Nam. Điều này càng cho thấy việc biên soạn các mục từ cho âm nhạc dân gian/chuyên ngành âm nhạc Việt Nam là một đòi hỏi mang tính cấp bách. Vấn đề là biên soạn như thế nào? Và người biên soạn là ai? (vai trò lựa chọn của Chủ nhiệm vô cùng quan trọng, thậm chí quyết định sự thành bại của công trình). Câu hỏi “người biên soạn là ai?” không trong phạm vi phận sự của chúng Chúng tôi dùng cụm từ “nền âm nhạc dân tộc”, dù từng có ý kiến ngoài lề cho rằng Việt Nam không có một “nền âm nhạc” đúng nghĩa, bởi từ đầu thế kỉ XX trở về trước Việt Nam không có các tác giả, tác phẩm âm nhạc được ghi nhận. 1

tôi, tham luận chỉ bàn tới câu hỏi thứ nhất bằng cách nêu một trường hợp mục từ đã được biên soạn và xuất bản năm 1997 ở Mỹ để cùng tham khảo trong buổi toạ đàm này. Đó là mục từ “Folk music” (âm nhạc dân gian) trong Bách khoa thư tín ngưỡng, phong tục, truyện kể, âm nhạc và nghệ thuật 2 (Thomas A. Green chủ biên. California: ABC-CLIO, 1997). Mô tả về mục từ “Folk music” Cấu trúc mục từ/bài nghiên cứu “Folk music” của Neil V. Rosenberg được trình bày lần lượt qua các đoạn có nội dung như sau:

- Đầu tiên là tên mục từ: Âm nhạc dân gian (nguyên văn tiếng Anh: folk music)

- Thứ hai là một đoạn văn nêu ngắn gọn định nghĩa âm nhạc dân gian là gì và cơ sở lý luận của định nghĩa đó. “Nhạc dân gian là các giai điệu có hoặc không lời, hay được chơi trên các nhạc cụ trong khung cảnh biểu diễn văn hoá dân gian. (...). Giống như nhiều định nghĩa gần đây về văn hoá dân gian nói chung, định nghĩa này nhấn mạnh vào hành vi trong hoàn cảnh”

- Thứ ba, tác giả điểm lại một số định nghĩa trước đó về âm nhạc dân gian, nhấn mạnh và phê phán định nghĩa do Hội đồng Âm nhạc Dân gian Quốc tế (IFMC) đề xuất vào năm 1954 rằng đã mô tả âm nhạc dân gian như là “sản phẩm của truyền thống âm nhạc phát triển qua quá trình truyền miệng”. “Quan điểm tạo thành về âm nhạc dân gian nhấn mạnh giá trị của nó như biểu hiện của một thể loại đặc biệt của cộng đồng, mà người ta tưởng tượng là tồn tại trong một nhóm đồng nhất những người bình thường trong một cộng đồng nông dân, giai cấp lao động, cộng đồng dân tộc, hay một cộng đồng khu vực. Các loại cộng đồng này được cho là đặc biệt quan trọng bởi các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian thời kỳ đầu, những người đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những diễn đàn dân tộc văn hoá dân tuý. Vì vậy, thông qua các quá trình vay mượn, kết nạp, và hình thành quy tắc, âm nhạc liên quan đến những

2

Nguyên văn tiếng Anh: An Encylcopedia of Beliefs, Customs, Tales, Music, and Art

cộng đồng bình thường đã trở thành một biểu tượng quan trọng của bản sắc của giới tri thức ưu tú liên quan đến các tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc”.

- Thứ tư, tác giả điểm lại, phân tích, so sánh các phương pháp phân tích âm nhạc dân gian trước và sau khi có phương tiện máy ghi âm. Trước khi có máy ghi âm, cơ sở để phân tích là giai điệu và các khía cạnh liên quan đến giai điệu như thang âm, điệu thức, coi đó là những yếu tố để nhận diện đặc trưng văn hóa của một cộng đồng/tộc người. Sau khi có phương tiện ghi âm, việc mô tả về âm nhạc dân gian được bổ sung chi tiết hơn với cả một hệ thống các yếu tố được thiết lập (dẫn nhà nghiên cứu Alan Lomax, người đã “cố gắng miêu tả cả những khía cạnh kết cấu lẫn những khía cạnh văn bản”). Chỗ này tác giả viết hơi khó hiểu (hoặc do người dịch không thoát ý). “Khía cạnh kết cấu” mà tác giả đề cập có lẽ là một tập hợp toàn bộ những yếu tố mang tính tổ chức để một cuộc biểu diễn âm nhạc dân gian có thể diễn ra, chẳng hạn như dàn nhạc, dàn hợp xướng và những yếu tố bản thể âm nhạc như nhóm/tổ hợp giai điệu, tổ chức nhịp điệu; còn “khía cạnh văn bản” đã được tác giả có qui ước ở phần trên, chính là giai điệu (“giai điệu được coi như văn bản”).

- Thứ năm, tác giả nêu hai ví dụ để tranh luận nhằm làm rõ hơn sự nhấn mạnh về yếu tố hành vi và yếu tố bối cảnh trong định nghĩa ở đầu bài viết. Ví dụ về trường hợp âm nhạc Bach hay Bethoven được trình diễn bởi một nhóm bạn để giải trí có được coi là âm nhạc dân gian hay không; về trường hợp loại âm nhạc được coi là dân gian nhưng lại được biểu diễn trong bối cảnh trang trọng hoặc nhằm mục đích thương mại thì có còn được coi là âm nhạc dân gian hay không.

- Thứ sáu, tác giả rút ra nhận định khái quát về những yếu tố/khía cạnh âm nhạc dân gian mà các nhà nghiên cứu đã và đang quan tâm, đó là: văn bản

(giai điệu), cấu trúc (có lẽ tác giả muốn nói đến tổng thể cuộc biểu diễn âm nhạc), bối cảnh (bình thường hay trang trọng; giải trí hay thương mại).

- Thứ bảy, tác giả bộc lộ thái độ thiện cảm với ý tưởng cho rằng “âm nhạc dân gian như là một phương thức biểu hiện giúp cho ca sỹ và các nhạc công tự do tái tạo và phóng tác trong phạm vi vũ đài của một nền văn hóa âm nhạc chung”. Tiếp theo, để kết luận tác giả nêu quan điểm đồng tình với đề xuất của Philip Bohlman rằng sự hình thành quy tắc là một khía cạnh thiết yếu của âm nhạc dân gian trong thế giới hiện đại: “Sẽ là hữu ích khi coi những tập hợp giai điệu như vậy như là những quy tắc”.

- Cuối cùng là Tài liệu tham khảo, gồm 8 tư liệu, trong đó có 6 tác giả được trích dẫn, bình luận (quan trọng nhất là hai nhà nghiên cứu Alan Lomax và Philip Bohlman). Các tư liệu có xuất xứ trong nước, được công bố xa nhất năm 1955, gần nhất năm 1992. Về nội dung, có đến 5 tư liệu về (hoặc liên quan) ballad hoặc về folk songs, chỉ có một tư liệu chung về âm nhạc dân gian (Folk Music in the Modern World của Philip Bohlman, 1988, Trường Đại học Indiana xuất bản), còn lại là tư liệu về văn hóa âm nhạc và mối liên hệ giữa văn hóa với âm nhạc.

Nhận xét Trường hợp được khảo sát nêu trên cho thấy mục từ trong Bách khoa thư không như mục từ trong Từ điển. Nếu như trong Từ điển, mỗi mục từ là một thuật ngữ được định nghĩa (nội dung chủ yếu trong từ điển là các định nghĩa), thì mục từ trong Bách khoa thư là một bài nghiên cứu hoàn chỉnh của một nhà nghiên cứu được Chủ biên lựa chọn. Người biên soạn mục từ “Folk music” trong Bách khoa thư nêu trên là học giả Neil V. Rosenberg. Dung lượng mục từ khoảng 2350 chữ, tương đương với “mục từ dài” (mục từ dài có số chữ từ 1200 – 2500 chữ) theo qui

định trong Tài liệu Hướng dẫn biên soạn đề cương chi tiết các quyển chuyên ngành Bách khoa toàn thư Việt Nam.

Xét một cách khái quát nhất, cấu trúc mục từ “Folk music” nêu trên có 3 phần cơ bản: 1/ Tên và định nghĩa khái niệm kèm theo cơ sở lý luận của định nghĩa; 2/ Những thông tin về lịch sử, quá trình hình thành, phát triển của khái niệm với một số quan điểm khác nhau về khái niệm; 3/ Kết thúc bài viết, tác giả bày tỏ thái độ đồng tình với quan điểm của Philip Bohlman về “qui tắc” và sự hình thành “qui tắc” trong âm nhạc dân

gian. Theo tác giả thì đó nên được coi là những dấu hiệu để nhận biết thế nào là âm nhạc dân gian hoặc không phải âm nhạc dân gian. Về phương pháp luận, tác giả dựa vào cách tiếp cận văn hóa dân gian/nhân loại học, không đặt quan tâm chính về mặt bản thể âm nhạc. Bởi thế, âm nhạc dân gian trong định nghĩa chỉ bao gồm giai điệu được biểu diễn bằng giọng người hoặc nhạc cụ trong bối cảnh dân gian (mà tác giả coi là bối cảnh sinh hoạt đời thường). Tác giả phê phán cách coi âm nhạc dân gian như một biểu hiện bản sắc văn hóa dân tộc, coi đó như một sự áp đặt của các nhà nghiên cứu mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Qua nội dung bài viết mục từ, có thể nhận thấy một số điểm chung/giống và một số điểm khác biệt giữa Mỹ với Việt Nam về âm nhạc dân gian và nghiên cứu âm nhạc dân gian: - Điểm chung: Ở Mỹ cũng như ở Việt Nam, nhận thức về âm nhạc dân gian đều có quá trình thay đổi, có những tranh luận, những vấn đề chưa thống nhất; Ở Mỹ cũng như ở Việt Nam,việc nghiên cứu âm nhạc dân

gian đều dựa vào công cụ lý thuyết âm nhạc phương Tây, kí âm văn bản để phân tích, so sánh. - Điểm khác: 1/ Nếu như âm nhạc dân gian ở Mỹ chỉ có ballad hay folk song (việc phân tích, nghiên cứu của tác giả chỉ dựa trên các ví dụ thực tế này) thì âm nhạc dân gian Việt Nam đa dạng hơn rất nhiều, đặc biệt ở một số thể khí nhạc như cồng chiêng, đuống, pí một lao ... 2/ Nếu như tác giả người Mỹ coi việc nghiên cứu xác định giá trị, đặc trưng của âm nhạc dân gian là sự áp đặt không cần thiết và là biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc (chính trị hóa âm nhạc), thì ở Việt Nam các nhà nghiên cứu coi việc đó là mục tiêu để khai mở, phát hiện những hình thức/kết cấu âm nhạc độc đáo của các dân tộc Việt Nam, để khai thác tiềm năng âm nhạc hiện còn tiềm ẩn trong dân gian nhằm góp phần phát triển một nền âm nhạc mới một cách vững chắc, đậm phong cách Việt Nam. Một số lưu ý/rút kinh nghiệm a. Về phương pháp luận Theo quan điểm của chúng tôi, với mục từ chuyên ngành âm nhạc, dù là âm nhạc dân gian, trước hết cần tiếp cận bản thể (nghệ thuật âm nhạc), tiếp sau mới tính đến tiếp cận văn hóa dân gian. Bởi vì âm nhạc dân gian, trước hết là một loại âm nhạc, được định danh là âm nhạc dân gian bởi phức hợp các yếu tố văn hóa. Như thế, cho dù dùng cách diễn đạt khác về phương pháp tiếp cận là tiếp cận liên ngành thì cũng phải xác định âm nhạc là yếu tố chủ đạo, quyết định. Điều này cần nhất quán trong biên soạn hệ thống các mục từ ở phạm vi phạm trù âm nhạc. Trường hợp mục

từ nêu trên đã lựa chọn phương pháp luận văn hóa dân gian để viết định nghĩa, do vậy chưa thực sự đầy đủ và thiếu nhất quán. b. Về Tài liệu tham khảo

Một điểm nữa cần lưu ý từ phần Tài liệu tham khảo trong bài viết/mục từ là tác giả của nó không có các tư liệu ngoài nước Mỹ về âm nhạc dân gian, đặc biệt là nguồn tư liệu từ châu Á hay châu Phi, những nơi mà nền âm nhạc quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ âm nhạc dân gian. Không hiểu đây là một qui định chung cho việc biên soạn các mục từ ở Bách khoa toàn thư Mỹ hay chỉ là giới hạn hiểu biết của cá nhân tác giả. Dù sao, theo chúng tôi, việc biên soạn là một công việc mang tính khoa học cao, cần tiếp thu/ đọc càng nhiều, càng đầy đủ thông tin về vấn đề nghiên cứu càng tốt, không thể loại trừ các tri thức ngoài quốc gia về cùng vấn đề. Vì thế, việc tài liệu tham khảo của tác giả người Mỹ chỉ toàn tư liệu trong nước là một hạn chế mà người biên soạn Bách khoa thư Việt Nam cần tránh. c. Về tính nhất quán Trong ví dụ mục từ “folk music” nêu trên, định nghĩa ở phần đầu và quan điểm ở phần kết về âm nhạc dân gian của tác giả không thực sự nhất quán. Nếu như trong định nghĩa, âm nhạc dân gian Mỹ chỉ bao gồm 3 dấu hiệu cơ bản: 1/ giai điệu; 2/ được biểu diễn (bằng giọng người hoặc nhạc cụ); 3/ trong bối cảnh dân gian; thì trong kết luận, âm nhạc dân gian Mỹ bao gồm “toàn bộ tư liệu về âm nhạc dân gian đã tạo nên quy tắc quan trọng và có sức thuyết phục nhất. Những quy tắc này định hình khái niệm thế nào là âm nhạc dân gian và thế nào là không phải âm nhạc dân gian”. Rõ ràng, các ý chính trong định nghĩa được phát biểu ở đầu mục từ không đủ để diễn đạt câu kết luận của nó. Hay nói cách khác, kết luận giống một định nghĩa khác với định nghĩa ở phần mở đầu về âm

nhạc dân gian. Tính nhất quán không được đảm bảo trong mục từ trên là bài học đáng lưu tâm cho người biên soạn Bách khoa toàn thư. Trên đây là tất cả những suy nghĩ, nhận định chủ quan (của người sẽ phải thực hiện công việc viết mục từ cho Bách khoa toàn thư Việt Nam) về một mục từ được chọn làm mẫu trong một cuốn Bách khoa toàn thư nước ngoài, không nhằm để phê phán hay tranh luận mà để tham khảo, rút kinh nghiệm cho bản thân. Có lẽ bài tham luận vẫn chưa đầy đủ, chưa xác đáng và có thể còn cảm tính, thiếu công bằng với tác giả của mục từ, nhưng chúng tôi vẫn mạnh dạn đưa ra để các đồng nghiệp tham gia tọa đàm cùng suy nghĩ. Ngày 19/10/2019 Kiều Trung Sơn

Tài liệu tham khảo 1. Thế Bảo (2011), Suy nghĩ về nhạc luật cổ truyền Việt Nam, Nxb Thanh Niên, Hà Nội. 2. Nguyễn Thụy Loan (2006), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 3. Luật Di sản văn hóa 2013. 4.

Neil V. Rosenberg (1997), “folk music”, An Encylcopedia of Beliefs, Customs, Tales, Music, and Art, (Thomas A. Green chủ biên. California: ABC-CLIO, 1997).

5. Nhiều tác giả (1986), Nghệ thuật cồng chiêng, Sở Văn hóa và Thông tin Gia Lai – Kon Tum xuất bản. 6. Nhiều tác giả (2002), Tính đa dạng của văn hóa Việt Nam: những tiếp cận về sự bảo tồn, Trung tâm KHXH & NVQG và Ủy ban UNESCO Việt Nam xuất bản, Hà Nội.

7. Kiều Trung Sơn (2011), Cồng chiêng Mường, Nxb Văn hóa – Thông tin & Viện Văn hóa, Hà Nội. 8.

Kiều Trung Sơn (2015), “Âm nhạc cồng chiêng và thế giới quan Mường”, Tạp chí Văn hóa dân gian, Số 1 (157), tr.3-9.

9. Tô Ngọc Thanh (1998), Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội. 10. Hồng Thao (1997), Âm nhạc dân tộc H’mông, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

11. Hoàng Tuấn (2000), Âm nhạc Tày, Nxb Âm nhạc, Hà Nội. 12. UNESCO (2003), Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Người dịch: Trần Hải Vân, Hiệu đính: Cục Văn hóa thông tin cơ sở và Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam. 13.Viện Văn hóa dân gian (1990), Quan niệm về folklore, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 14. Tô Vũ (2002), Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, Viện Âm nhạc xuất bản, Hà Nội.